Họ nhiệt tình chào mời du khách đi tham quan thành phố. Vốn đã mê mẩn khu “phố xanh” (blue city) nổi tiếng của Jodhpur từ những tấm hình trên mạng, chúng tôi háo hức đề nghị người lái xe lôi chở ngay tới chợ Sardar, trung tâm sinh hoạt của phố cổ.
Phụ nữ vùng Rajasthan ở chợ Sardar
Từ xa, chúng tôi đã có thể nhìn thấy tháp chuông đồng hồ bốn mặt, biểu tượng của khu chợ. Ngày chủ nhật, từng dòng người tuôn chảy từ khắp các ngõ ngách, đổ về phiên chợ Sardar cuối tuần,
tạo nên một không gian đầy màu sắc, âm thanh và mùi vị. Người Ấn Độ vốn đã nổi tiếng với gu ăn mặc nhiều màu sắc, nhưng dường như ở vùng đất cận sa mạc này, mọi thứ càng trở nên rực rỡ hơn. Tôi ngơ ngẩn ngắm nhìn cánh phụ nữ diện những bộ sari đẹp nhất, đeo vô số nữ trang, đứng bên các hàng vải vóc cũng đủ màu. Nếu còn là một cô bé con, hẳn tôi đã tưởng như mình đang lạc vào một câu chuyện cổ tích.
Tháp chuông đồng hồ chợ Sardar
Sau nhiều lưu luyến, chúng tôi cũng chia tay chợ Sardar quyến rũ và tìm đường len lỏi qua những con phố nhỏ gập ghềnh hướng lên đồi để khám phá khu phố xanh. Nhằm hạn chế ánh mặt trời chói chang và cái nóng khủng khiếp từ sa mạc Thar, những ngôi nhà ở Jodhpur được xây dựng sát cạnh nhau, chỉ để lại những lối đi nhỏ hun hút, râm mát, đặc biệt hơn, đa phần những ngôi nhà này đều được quét vôi cùng một màu xanh da trời dịu mắt. Màu vôi đặc biệt này khởi thủy chỉ là truyền thống của những người theo đạo Bà La Môn trong vùng. Sau đó, người ta tin rằng màu xanh có thể giúp xua đuổi muỗi và làm mát nhà, nên dần dần cả những người ngoại đạo cũng làm theo. Kết quả là ngày nay Jodhpur có một màu xanh đặc trưng và thêm một cái tên rất lãng mạn: “Thành phố xanh”.
Mặc dù có thể nhìn thấy pháo đài Mehrangarh từ ngay trong khu phố cổ, nhưng phải leo tới tận đỉnh đồi, bạn mới có thể chiêm ngưỡng hết vẻ hùng vĩ của di sản này. Được xây dựng trên đỉnh ngọn đồi cao nhất thành phố, pháo đài Mehrangarh hoàn thành năm 1458 là một quần thể kiến trúc bao gồm pháo đài, cung điện và đền thờ phục vụ cho vương triều Rathore. Chúng tôi đi qua lần lượt bảy lớp cửa, từ thấp tới cao và làm bằng đủ mọi chất liệu của tòa thành. Càng lên cao, những lâu đài thành quách bằng sa thạch đỏ và cẩm thạch trắng hiện ra càng uy nghi tráng lệ.
Quần thể di tích Mehrangarh
Kiến trúc vùng Rajasthan không chỉ gây ấn tượng về quy mô mà còn làm chúng tôi kinh ngạc với các chi tiết chạm khắc tinh xảo, từ những mái vòm uốn cong mềm mại, các ô cửa sổ bằng đá mỏng manh như lớp ren tới các hoa văn trang trí trên tường. Khung cảnh huyền bí như cổ tích còn được tô điểm thêm bởi những người lính gác trịnh trọng đi lại trong sân, với hàng ria mép cong vút và những chiếc khăn xếp đủ màu. So với các di sản cùng niên đại ở các vùng khác, nội thất của cung điện Mehrangarh được bảo tồn khá tốt. Những phòng sinh hoạt và các bộ sưu tập của hoàng gia vẫn giữ được vẻ lộng lẫy nguyên thủy.
Kiến trúc vùng Rajasthan rất tinh xảo và tráng lệ
Người lính gác trong trang phục truyền thống vùng Rajasthan
Sau khi tham quan một vòng lâu đài, chúng tôi leo lên mặt tường thành, ngắm khu phố cổ với những ngôi nhà màu xanh lô xô trải dài dưới đồi, đẹp như một bức tranh lập thể. Chỉ có tiếng gió thổi vi vu, nhưng dường như tôi vẫn cảm thấy những thanh âm rộn rã của phố xá sôi động bên dưới. Lịch sử có thể thay đổi, các vương triều có thể tàn lụi, nhưng dòng chảy âm thầm và mạnh mẽ của cuộc sống sẽ trường tồn đến muôn đời,...
Một gia đình Ấn Độ tham quan pháo đài Mehrangarh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét