Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Tây Tạng - chữ Duyên đã thành

Cách đây 4 năm, tôi đã bị Tây Tạng mê hoặc khi đọc một bài viết về mảnh đất thần thánh này và tự nhủ nhất định sẽ phải đến nơi đây.

Trong các điểm du lịch ở Trung Quốc, có ba nơi mà tôi muốn đến nhất: Shangrila, Cửu Trại Câu và Tây Tạng. Hai nơi đầu tiên tôi đã đến được lần lượt vào các năm 2010, 2011. Năm 2012 tôi đặt mục tiêu sẽ đến Tây Tạng và giấc mơ đến mảnh đất này đã được hoàn thành trong tháng 9 vừa qua.
 Tây Tạng là một trong những điểm mà anh Thành muốn đến du lịch nhất ở Trung Quốc.

Cũng có nhiều khó khăn liên tiếp ngay trước ngày đi làm quân số thay đổi, có lúc tưởng chừng không đi được nhưng nhờ quyết tâm, và như có "duyên", chúng tôi cuối cùng cũng đặt chân được vào Tây Tạng. Sau nhiều ngày hì hục nghiên cứu bài viết của các phượt tử khắp nơi, tôi cũng lên cho mình một lộ trình tạm ổn.
Trước khi thực hiện hành trình, tôi đã lên kế hoạch tập luyện thể lực để chống lại hội chứng sốc độ cao mà đa số người đều gặp phải khi đến Tây Tạng. Đây là nỗi lo sợ của nhiều người khi đi lên những vùng cao trên 3.000 m so với mực nước biển. Dù từng là dân thể thao chuyên nghiệp nhưng tôi không chủ quan. Hằng ngày khi đến công ty làm việc, tôi đều đặn leo cầu thang bộ để rèn luyện sức bền và sau giờ làm việc tôi đều đặn tập gym để rèn luyện nhịp thở. Kết quả sau những ngày tập luyện là tôi đã có một chuyến đi đầy tận hưởng. Nhìn chị trong đoàn mặt tái nhợt phải đi truyền nước vì đuối sức tôi mới thấy mình thật khỏe khi không hề bị sốc độ cao trong suốt những ngày ở Tây Tạng.
Để có được sức khỏe đi Tây Tạng, ngày nào anh Thành cũng tập luyện thể thao và leo cầu thang bộ.

Sau 2 tiếng trên chuyến bay từ Thành Đô, chúng tôi đã đến Lhasa. Lhasa đầu thu chào đón chúng tôi bằng cái nắng nhẹ dịu, không khí lành lạnh, từng cơn gió tựa như gió mùa đông bắc của ta thổi qua. Phía ngoài sân bay, lái xe và hướng dẫn viên tên Tenzin đã chờ sẵn đón đoàn.

Chúng tôi lên xe về khách sạn nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cuộc hành trình 14 ngày trên Tây Tạng. Đường xá ở Tây Tạng được đầu tư khá tốt. Thủ phủ Lhasa là một thành phố sôi động. Ngoài khu trung tâm quanh Bakor Square vẫn còn giữ được nét hoang dã bản địa, phần lớn thành phố đã bị Hán hóa.

Độ cao của Lhasa là 3.700 m, chưa quá cao nhưng đủ làm cho những người bay lên đấy như tôi có bài học đầu tiên về việc thiếu oxy. Bài tập leo cầu thang, tập gym, tập thở mỗi ngày ở nhà bắt đầu có tác dụng. Tôi chỉ cần đi chậm lại, thở sâu, chậm rãi một chút là có thể thích nghi.

Potala Palace là nơi quan trọng và đáng xem nhất trong một chuyến đi Tây Tạng. Cung Potala gồm ba khu: Cung thành phía trước núi, cung thất trên đỉnh núi và hồ phía sau núi.Khu cung thành có 3 cửa Đông, Nam, Tây và hai gác lầu. Trong thành có các cơ quan quản lý phục vụ cung như viện in kinh, nơi ở của các quan viên, tăng ni và có cả nhà giam, chuồng ngựa. Leo lên con đường bằng đá rộng rãi là tới khu cung thất. Khu này là một quần thể kiến trúc lớn mà chủ thể của nó là Bạch Cung và Hồng Cung. Bạch Cung là cung thất chuyên phục vụ cho sinh hoạt chính trị và tôn giáo của Đạt-lai Lạt-ma. Hồng Cung là quần thể kiến trúc mang tính chất tôn giáo gồm các điện Phật có linh tháp đặt thi thể các Đạt-lai Lạt-ma đã viên tịch và một số sảnh điện khác.

Cung Potala Palace là nơi quan trọng và đáng xem nhất trong một chuyến đi Tây Tạng.

Khó có thể tìm thấy một tộc người nào trên thế giới lại có niềm tin tín ngưỡng mạnh mẽ như ở Tây Tạng. Niềm tin mãnh liệt vào đạo Phật này có thể khiến những người dân Tây Tạng bình thường làm được những điều phi thường, đó là Kora và Ngũ thể nhập địa hay còn gọi là "Tam Bộ Nhất Bái".

Kora là động tác đi trọn một vòng quanh điểm linh thiêng để thể hiện sự thành kính. Một số người đi một vòng quanh bửu tháp. Số khác đi vòng quanh lâu đài. Số khác đi vòng quanh hồ chu vi gần 100km. Vài người đi liên tục 13 vòng quanh núi Kailash, mỗi vòng 52 km ở độ cao trung bình 5.000 m.

Ngũ thể nhập địa hay còn gọi là "Tam Bộ Nhất Bái". Người Tạng tin rằng sự thành kính của họ sẽ được chứng giám hơn nhiều lần nếu họ đi Kora kiểu "Ngũ thể nhập địa". Tức là cứ ba bước lại nằm rạp xuống đất và vái một cái sao cho cả tứ chi và đầu đều chạm đất.

Một số người Tạng nói rằng trong cuộc đời họ phải thực hiện Ngũ thể nhập địa đủ 100.000 lần mới làm tròn trách nhiệm của họ với đạo pháp. Lịch sử Tây Tạng viết về vị Thánh tăng Hư Sơn đã thi triển Ngũ thể nhập địa từ Phổ Đà Sơn về Ngũ Đài Sơn với quãng đường 2.500 km.

Nhiều người đã đi hàng trăm cây số để đến “Ngũ thể nhập địa” trước cửa đền Đại Chiêu, dưới chân cung điện Potala. Họ không nhìn nhau, cũng chẳng nhìn du khách, chỉ chăm chăm hướng lên bầu trời và về phía bạt ngàn thành quách của niềm tin vào đấng tối cao. Đi ba bước (tam bộ) là ngũ thể (gồm chân, tay, ngực, trán...) của họ lại một lần chạm xuống đất (nhập địa). Các nhà nghiên cứu nói, đây là cách vái lạy khổ sở, đau đớn nhất thế giới. Họ cứ “hành xác” như thế hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn cây số, có khi đứng một chỗ ngoài cửa đền, trong một đêm họ vái như vậy hàng nghìn hoặc cả vạn lượt. Có khi, suốt cả một đời người, đi từ quê hương mình đến miền đất thánh, người ta phải vượt qua bão tuyết, cát vùi, thiên nhiên khắc nghiệt và trước đây là cả kẻ cướp giết chóc. Nhưng họ quyết tâm, tự nguyện đi. Sử sách từng chép lại rất nhiều người vĩnh viễn không bao giờ đến được miền đất tâm linh, bởi họ bị gió rét, bão tuyết hoặc kẻ xấu giết chết dọc đường.
Cảnh thiên nhiên hùng vỹ đắm say lòng người ở Tây Tạng.


Tây Tạng có nhiều hồ thiêng, trong số đó phải kể đến Namtso Lake, Yamdrok Lake và Manasarovar Lake mà trong cuộc đời của mỗi người dân Tạng đều mong được đặt chân tới.

Namtso Lake nằm ở độ cao 4.700m cách thủ phủ Lhasa khoảng 110km về phía Tây Bắc. Từ thời nữ oa vá trời nào đó các lục địa biến động và nâng lên. Namtso là một vùng trũng nên mang theo cả nước biển lên trên núi. Ngày nay nó được coi là hồ nước mặn cao nhất thế giới. Có rất nhiều hồ nước mặn nhỏ khác ở Tây Tạng và trên dãy Andes cao hơn Namtso nhiều, có khi tới 5.500 m. Nhưng không hồ nào có diện tích tới hơn 500 km2 như Namtso cả.

Đường lên Namtso phải đi qua một con đèo tới 5.190 m, dù chỉ dừng lại ngắm cảnh chốc lát nhưng cảm giác thiếu oxy đã thấy rõ theo từng bước chân khó nhọc. Hồ Yamdrok rộng hơn 700 m2 dài hơn 72 km, được coi là hồ lớn nhất phía Nam Tây Tạng và thường đóng băng vào mùa đông.

Người ta nói ngày Yamdrok cạn nước là ngày đất Tạng không còn là nơi con người có thể sinh sống được. Hồ cho con người những thảm cỏ để chăn thả gia súc, cho cá từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm và là nguồn nước. Từ năm 1996 người ta còn xây một đập nước ở phía cuối hồ để chạy nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Tạng hiện nay. Hồ còn nổi tiếng với tu viện Samding nằm trên một bán đảo hướng ra hồ. Đây được coi là nữ tu viện duy nhất tại Tây Tạng.

Với tôi, màu xanh tựa một tảng ngọc bích khổng lồ của nước hồ chính là một trong những cảnh đẹp ấn tượng nhất của đất Tạng.
Tác giả chụp ảnh kỷ niệm lưu dấu ấn khi đến Tây Tạng.

Mansarovar là một trong những hồ nước ngọt cao nhất thế giới. Nó có chu vi 80 km2 và người ta tin rằng các vị thần đến tắm trong hồ vào ban đêm. Ngâm mình trong hồ rửa tất cả các tội lỗi và giải thoát các linh hồn.

Trong các tu viện đã đi trong suốt hành trình, có một nơi làm tôi ấn tượng: Sera Monastery. Kiến trúc Sera Monastery được chia ra làm 5 khu chính: Chính Điện (Great Assembly Hall), ba đại viện dành cho việc tu học là: Me College(Mai Ba), Je College (A Ba), Ngagpa College (Kết Ba) và hạ viện Homdong Khangtsang (Hòa Kiết) là nơi Tăng chúng sinh sống. Nhìn vào bản đồ toàn đại tu viện Sera, điểm thu hút du khách nằm ở góc xa nhất, đó chính là Vườn Tranh Biện (Debating Courtyard), nơi các nhà sư áo đỏ đang say mê tranh luận kinh pháp trên nền sân vườn đá sỏi.

Mục đích của những cuộc tranh biện như thế này không ngoài tranh luận để đồng thuận, trau dồi hiểu biết về Phật điển và đào sâu suy nghĩ về những lời giáo huấn của Phật, cũng là để thăng tiến lên cấp cao hơn trên con đường tu học; vì thế các Tăng chúng trẻ tuổi tham gia rất nhiệt tình. Chúng tôi nhìn ngắm khu vườn với con mắt tò mò... Dưới những tán cây từng nhóm các nhà sư tụ tập truy bài, xung quanh vườn ở các góc tường là khách du lịch tứ phương đang ngắm nghía và không ngừng chụp ảnh, tất cả tạo nên bầu không khí sống động và độc đáo cho tu viện Sera; và có lẽ là buổi truy bài kỳ lạ nhất mà trong đời tôi từng thấy qua.

Hình ảnh những nhà sư trẻ tuổi đang hăng say "dạy dỗ" và "doạ nạt" đồng môn: Tư thế các nhà sư rất đa dạng, chủ yếu là kết hợp các động tác vung tay múa chân và ngả người vỗ tay dậm chân hay xoay tràng hạt nhằm gây "ấn tượng" với đối thủ và cả người xem.

Tây Tạng, mảnh đất thật kỳ lạ. Khi ở đó khổ cực chỉ muốn về ngay, khi về rồi lại nhớ da diết. Tôi cũng không rõ rồi mình sẽ có duyên quay trở lại những con đường đó hay không bởi đó là hành trình khổ cực, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Nhưng có một điều tôi biết chắc là ngay cả sau này, trong mơ tôi lại thấy mình bồng bềnh trên những con đường mây trắng nơi xa.

Bài và ảnh: Đào Trọng Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lên đầu trang
Support : Creating Website | Du lịch Tâm Linh Template | Mas Template
Copyright © 2011. Du Lịch Tâm Linh - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Tap Template
Proudly powered by Du lịch Tâm Linh