Những bước nhảy nhìn qua tưởng là ngẫu hứng nhưng nó có niêm luật rất chặt chẽ mà những vũ công điêu luyện phải thuộc nằm lòng. Theo thời gian, nhiều nét biến đổi đã được đưa vào những điệu múa cổ truyền và hình thành nên thể loại mới có tên là “Natya”, giống với loại hình nhạc kịch phương Tây. Các điệu múa của người Ấn thường kể về một câu chuyện, một sự tích dân gian hoặc một truyện thần thoại nào đó.
Điệu Kathak đặc trưng với những bước nhảy nhanh và những lần xoay vòng tung váy của vũ công. Miền bắc Ấn Độ là nơi khởi phát nên điệu Kathak. Tên của nó trong tiếng Ấn nghĩa là “kể một câu chuyện”. Kathak cũng như nhiều điệu múa truyền thống khác, nó lồng ghép nhiều tri thức dân gian mà người đi trước qua một bài múa cụ thể truyền lại cho thế hệ sau.
Những đặc trưng chính của điệu Kathakali nằm ở trang phục và cách trang điểm mang kịch tính rất cao. Điệu múa này là một hình thức kịch nghệ bắt nguồn từ miền nam Ấn Độ. Cách hóa trang của vũ công rất cầu kỳ, cần đầu tư nhiều thời gian trước khi lên sân khấu, họ thường đội một chiếc mũ rất to ở trên đầu.
Mohiniattam khá nổi tiếng trong các điệu múa cổ của Ấn Độ bởi sự đẹp mắt và duyên dáng trong từng động tác. Một vũ công duy nhất sẽ biểu diễn trên sân khấu và thường là phụ nữ với những đường cong gợi cảm. Động tác uyển chuyển, đặt trọng tâm vào đôi tay với những động tác cầu kỳ. Trong điệu múa này, câu chuyện chính được kể chủ yếu bằng đôi tay của vũ nữ.
Bharatnatyam là một trong những điệu múa phổ biến nhất tại Ấn Độ, bên cạnh điệu Kathak. Bharatnatyam khởi nguồn từ miền nam Ấn, cũng là một loại hình nhạc kịch. Nó có phong cách trang phục và trang điểm đặc biệt.
Odissi chú trọng phần uốn dẻo của cơ thể. Nó là một trong những điệu cổ nhất của Ấn Độ, nội dung thường gửi gắm những tri thức của người đi trước tới người đời sau.
Kuchipudi có nhiều nét tương đồng với Bharatnatyam nhưng các bước nhảy của vũ công có nhiều nét riêng biệt nên nó được coi là một thể loại độc lập.
Manipuri sử dụng những động tác nhẹ nhàng và đơn giản, không mang nhiều kịch tính và sự phô diễn hình thể như những điệu múa khác. Trang phục cũng rất khác biệt với chiếc váy hình trụ rất cứng.
Sattriya chỉ dành cho nam giới biểu diễn. Ban đầu, Sattriya không được công nhận là một điệu múa truyền thống của Ấn Độ bởi nó mới được một vũ công nam sáng tạo từ thế kỷ 15 trong khi những điệu múa khác đã có từ lâu đời.
Bhangra là một điệu nhảy rất sôi động bao gồm những động tác mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng của các vũ công nam, nhạc cụ chủ yếu đi kèm là trống. Trang phục phải thật rực rỡ để không khí trở nên sôi động, náo nhiệt. Bhangra có sức ảnh hưởng lớn đối với thể loại nhạc pop Ấn Độ và thường xuất hiện trong các dịp lễ hội của dân tộc và lễ đón dâu của người dân bản địa.
Lavani là điệu múa theo nhóm, có một người múa chính và một nhóm múa phụ làm nền.
Garba là điệu múa miền tây, thường múa theo nhóm và mang ý nghĩa tôn giáo. Khi biểu diễn, vũ công thường cầm những chiếc gậy ngắn.
Trong điệu Dekhni, nội dung chính kể về một cô gái muốn vượt sông nhưng cô cần phải chọn một người chèo thuyền để trở mình qua giữa đám đông đang vây lấy mình. Những vũ công khác thường cầm một chiếc đèn nhỏ hoặc một mái chèo.
Bollywood Dance xuất hiện khi ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ phát triển. Điệu múa này được phát triển từ những bài hát và điệu nhảy cổ xưa nhưng đi theo phong cách biểu diễn hiện đại để lồng ghép vào các bộ phim nhạc kịch. Bollywood Dance tạo ra rất nhiều nét mới trong cách trình diễn của vũ công. Những điệu múa cổ thường nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng trong điệu Bollywood, vũ công phải thể hiện những động tác mạnh mẽ, dứt khoát với tiết tấu nhanh trên nền nhạc disco đặc trưng phương Tây. Điệu nhảy này được giới trẻ các nước yêu thích bởi sự kết hợp duyên dáng giữa phong cách quyến rũ rất riêng của vũ công Ấn Độ và sự mới mẻ, trẻ trung của âm nhạc phương Tây.
Nguồn: báo dantri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét